Truy cập nội dung luôn

Trang Thông Tin Điện Tử Xã Tân Hưng

People's Committee of Tan Hung

Bình Dương cần phát triển nhanh, toàn diện, hài hòa và bền vững

2022-12-05 16:16:00.0

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương vào chiều 03-12 tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong năm 2022 với 30/34 chỉ tiêu đã hoàn thành. Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng dự báo những thời cơ thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen lẫn nhau, trong đó khó khăn, thách thức sẽ còn tiếp tục tác động đến Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cần phải linh hoạt phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phát huy tối đa nội lực kết hợp với ngoại lực, sức mạnh dân tộc và thời đại để phát triển, thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hoá trách nhiệm, nâng cao năng lực chỉ huy, tăng cường giám sát quyền lực. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, để cụ thể hoá các mục tiêu và nhiệm vụ.

IMG_8238 TOÀN CẢNH BUỔI LAM VIÊC CỦA THỦ TƯỚNG VỚI TỈNH bd.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc

Đặc biệt, cần kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, nhất là những ngành nghề liên quan đến bất động sản, cổ phiếu, tài chính… Nắm chắc tình hình, phân loại để xử lý và xuống tận cơ sở để giải quyết, xem khó khăn của người dân như khó khăn của chính quyền, xem sự phát triển thành công của doanh nghiệp như thành quả của chính mình. Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bình Dương cần khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu. Chú trọng đến công tác quy hoạch để khai thác tiềm năng, huy động được nhà đầu tư tham gia, xây dựng quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, cố gắng hoàn thành quy hoạch trong tháng 6/2023. 

IMG_8329.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Thời gian tới, Bình Dương cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân, doanh nghiệp, nhằm xây dựng Bình Dương là tỉnh phát triển kiểu mẫu. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bình Dương có dân số cơ học tăng nhanh nhất của cả nước, đã tạo ra cho tỉnh nhiều khó khăn như quá tải về y tế, giáo dục, văn hoá, an sinh, nhà ở, hạ tầng… Bình Dương cần phải có giải pháp phát triển đồng bộ và hiệu quả hơn. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đánh giá Bình Dương đứng thứ 2 cả nước nhờ làm tốt việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy Bình Dương cần tiếp tục phát huy, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đảm bảo ổn định chính trị, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Về đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh chưa tốt, còn dàn trải. Vì vậy tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tuyên truyền và tái định cư cho người dân. Bên cạnh đó, phải điều chuyển vốn ở các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ tốt, nhằm đảm bảo kết quả giải ngân.

Đề xuất giải pháp để Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh, bền vững

Sau khi khảo sát thực tế và nghe báo cáo của tỉnh, các Bộ ngành đánh giá cao những định hướng phát triển của Bình Dương. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để cùng tỉnh tháo gỡ những điểm nghẽn, đưa Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. 

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bình Dương đã triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực lao động việc làm cũng như giải quyết tranh chấp lao động, công tác phối hợp đào tạo nghề giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp được triển khai hiệu quả; công tác xúc tiến tìm kiếm thị trường mới tỉnh thực hiện cũng khá tốt. Bình Dương cũng là địa phương đi đầu trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Là địa phương có đông người lao động (NLĐ) ngoại tỉnh sinh sống, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tỉnh cần phối hợp các Bộ ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho NLĐ; rà soát nắm nhu cầu tuyển dụng, để điều tiết lao động từ nơi cắt giảm sang nơi có nhu cầu.

Xây dựng quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và NLĐ; giải quyết tốt các chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội về nhà ở, dịch vụ xã hội thiết yếu sẽ góp phần giữ chân NLĐ. Đồng thời tỉnh cần quan tâm thêm về đào tạo nghề; Bình Dương cần xây dựng các cơ sở giáo dục đi đầu của vùng để đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao thay thế các chuyên gia tại các doanh nghiệp, kể cả chuyên gia nước ngoài; từng bước tiến tới làm chủ công nghệ.

Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển kinh tế nhanh, năng động có nhiều khu công nghiệp; tốc độ đô thị hóa đứng đầu cả nước (82%); điều này sẽ tạo sức ép lên môi trường rất lớn. Định hướng cho Bình Dương phát triển thời gian tới, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tỉnh cần quản lý chặt chẽ,  kiểm soát quỹ đất dành cho khai thác xây dựng, quỹ đất bố trí rác thải, quỹ đất định cư… Với xu hướng phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đô thị xanh, Bình Dương cần xem bảo vệ môi trường là trọng tâm, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường;  quan tâm đầu tư công nghệ xử lý rác thải, nước thải, có kế hoạch tái chế rác thải, giảm lượng rác thải, tăng cường quản lý quan trắc môi trường, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp.

IMG_8296 - Copy.jpg

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi làm việc 

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bình Dương là điểm sáng về quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ chiếm 90%; cơ sở hạ tầng đầu tư đảm bảo phát triển triển. Bình Dương cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở với 25 dự án về nhà ở, trong đó có 18 dự án nhà ở xã hội cho người lao động và 7 dự án cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, Bình Dương mới đáp ứng 70% mục tiêu kế hoạch về nhà ở; tỉnh đã chủ động đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng kiến nghị Bình Dương định hướng phát triển kinh tế gắn với quan tâm công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch TP.Thủ Dầu Một; quy hoạch phân khu chi tiết; tăng cường đầu tư hạ tầng đô thị, quan tâm đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

IMG_8298.jpg 

​Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc ​​​

Bên cạnh thế mạnh phát triển kinh tế, Bình Dương cũng giàu tiềm lực về khoa học công nghệ, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho rằng, tỉnh đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối hiệu quả với các tỉnh, thành trong cả nước. Bộ đánh giá cao mô hình Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh. Từ mô hình này có nhiều doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh thành công, nơi ươm tạo cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị tỉnh nâng cao mô hình từ cấp tỉnh thành cấp vùng, liên kết vùng. Tỉnh cần tiếp tục đầu tư cho KHCN để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội; nghiên cứ xây dựng đề án KHCN phù hợp thực tiễn với địa phương để triển khai hiệu quả; quan tâm đầu tư đổi mới sáng tạo.

Kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển bền vững

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Bình Dương. Cụ thể, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,52% - 21,98% - 2,93% - 7,57%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,8%. Thu ngân sách ước đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán; chi ngân sách ước đạt 18.500 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ đô la Mỹ (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%), thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9%.

IMG_8291 phó bí thư CTUBND tỉnh báo kt vh axh.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2022​ và kiến nghị cơ chế, chính sách

Thu hút đầu tư nước ngoài 3,1 tỷ đô la Mỹ và gần 100 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh; lũy kế đến nay, thu hút gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) và 627 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tương đương 25 tỷ USD). Về đầu tư công, đến 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch tỉnh (cùng kỳ đạt 41,1% kế hoạch) và đạt 46,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu đến 30/01/2023 tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án trọng điểm còn chậm.

Trong năm tỉnh cũng quan tâm chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh và giải quyết việc làm cho người lao động. Đã phê duyệt chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 cho 1.486.697 trường hợp, với số tiền hơn 2.925 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành 100% việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 1,6 triệu lượt lao động, với tổng kinh phí khoảng 973 tỷ 765 triệu đồng. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 03/06 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang trình hồ sơ 03 huyện còn lại (Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới hoàn thành nông thôn mới cấp tỉnh. Đến cuối năm 2022 có 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 100% đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh có 4.093 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,23% trên tổng số 332.224 hộ và số hộ cận nghèo là 2.960 hộ, chiếm 0,89% trên tổng số 332.224 hộ.

Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế để đầu tư triển khai công trình giao thông trọng điểm như Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép, điều chỉnh quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An. Đồng thời cho phép Bình Dương áp dụng trần mức dư nợ vay của ngân sách địa phương như TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Chấp thuận cho UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng TP. Thủ Dầu Một; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Thủ Dầu Một.​


Cổng thông tin Bình Dương