Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Lão nông thành công với mô hình “độc, lạ” trồng dưa leo rừng.

2023-04-07 08:29:00.0

Đầu tư, tạo dựng mô hình trồng rau củ quả sạch đang là hướng đi đúng đắn của hàng ngàn hộ dân ở huyện Bàu Bàng, trong đó có lão nông Ngô Văn Gỡ ngụ ở ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng. Sau nhiều lần thất bại, lão nông Ngô Văn Gỡ đã đúc rút được kinh nghiệm trong khâu chăm bón và có được thành công từ mô hình “độc, lạ” trồng đưa leo rừng. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng tiêu chí sạch, mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Dưa leo rừng vốn là cây mọc hoang dại thường mọc ở trên rừng, ngoài rẫy, gần các bìa sông, bìa suối. Đặc tính ban đầu của giống cây này là trái nhỏ và có vị đắng. Khi thấy nó mọc hoang, thì không ai nghĩ đến việc gieo trồng hay đưa loại thực phẩm này vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Nhưng cách đây 4 năm, lão nông Ngô Văn Gỡ đã mạnh dạn bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư mô hình trồng giống dưa leo rừng và có được thành công.

Ông Ngô Văn Gỡ bên trang trại trồng dưa leo rừng của gia đình mình.

Ông Ngô Văn Gỡ bên trang trại trồng dưa leo rừng của gia đình mình.

 

Lão nông Ngô Văn Gỡ chia sẻ, Ban đầu ông cùng một số bạn hùn hạp trồng sâm lông (sâm lá) nhưng do giống cây này đã trồng nhiều nên khó tìm thị trường cho sản phẩm và quả kinh tế không cao. Cơ duyên đến với ông từ khi được người bạn ở Tây Nguyên cho 2 gốc cây dưa leo rừng, thế là ông giấu gia đình, tìm tòi, nghiên cứ và nhân giống loại dây này. Cũng theo ông Gỡ, không có sách vở, tài liệu, thông tin nào hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm bón giống dưa leo rừng. Nên những vụ đầu ông đều bị thất bại. Thế rồi, những bài học quý cũng từ những lần thất bại đó. Ông Gỡ dần hiểu được cách chăm bón, tưới nước, cắt tỉa, làm giàn cho giống cây này. Giàn không cần quá cao, luống cách luống, cây cách cây không cần quá rộng. Nhưng tưới nước, bón phân, tỉa cành thì cần phải có và phải theo định kỳ.

Theo đó, để trái không còn vị đắng, vào mùa khô ông tích cực tưới nước, bón phân nên ông đầu tư hệ thống tưới tự động để giảm chi phí sức lực, nhân công và thời gian tưới. Khi thấy cây già cỗi, cho năng xuất thấp thì ông quay sang chuẩn bị cây giống, vật tư, vật lực để ghép cành, gieo trồng đợt mới…. Cứ như thế, mô hình trồng dưa leo rừng của ông liên tục cho thu hoạch. Tính bình quân, 2 ngày giống dưa này cho thu hoạch 1 lần, 1 lần thu được hàng trăm ký với mức giá bán giao động từ 40 đến 60 ngàn đồng 1 ký. Hiện mô hình trồng dưa leo rừng của ông Gỡ có 2 hecta trồng hở, tương đương 5000 mét vuông trồng kín đều theo hướng nông nghiệp hữu cơ, cho ra sản phẩm an toàn, đạt chuẩn OCOP và mang lại thu nhập cao. Bình quân mỗi tháng cho thu hoạch từ 4 đến 5 tấn dưa leo rừng tươi. Trừ hết chi phí ông có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.

Ông gỡ cho biết, trái dưa leo rừng nhỏ như trái dưa leo bao tử. Nếu so sánh độ giòn ngon và dinh dưỡng thì ngang nhau. Nhưng chắc chắn là trái dưa leo rừng sẽ không dễ bị sâu bệnh, điều này loại trừ được vấn đề phun thuốc trừ sâu. Vì thế, người tiêu dùng yên tâm khi dùng ăn sống hoặc muối chua để xào chung với các loại thịt gia xúc, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Sản phẩm dưa leo rừng của ông gỡ được chứng nhận VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sản phẩm dưa leo rừng của ông gỡ được chứng nhận VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đất không phụ công người, giờ đây mô hình trồng dưa leo rừng của ông Gỡ đã đều đặn cho năng xuất và thu nhập cao. Hiện sản phẩm được ông chế biến muối chua ngọt, đóng bịch, hút chân không và đưa ra thị trường tiêu thụ với nhãn hiệu dưa leo rừng Ngô Văn và sản phẩm được chứng nhận VietGap. Do đây là sản phẩm mới lạ, chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều nên sản phẩm chưa được bày bán nhiều trên thị trường hiện nay. Để sản phẩm đến với người tiêu dùng, Chắc chắn ngoài sự nỗ lực của bản thân ông Gỡ, thời gian tới còn cần đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tìm thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định, để sản phẩm dưa leo rừng của ông Gỡ nói riêng, của xã Lai Hưng nói chung có cơ hội vươn xa và trở thành món ăn đặc sản thường xuyên hiện hữu trên mâm cơm của mỗi gia đình./.


HỮU HOÀNG

Lượt truy cập: 5565

Tag: sản xuất kinh doanh , xã lai hưng , văn minh đô thị , ocop

Đánh giá bài viết: