Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Nguyễn Thị Phương Quỳnh gương sáng vượt qua bóng tối, “truyền lửa” cho những người khiếm thị

2020-06-25 14:49:00.0

CMSC Vượt lên tật nguyền, cô gái khiếm thị 25 tuổi Nguyễn Thị Phương Huỳnh (ấp Nhà Mát, xã Long Nguyên) quyết tâm vượt qua số phận trở thành tấm gương cho những người khiếm thị.

Người ta thường nói, người khuyết tật là những người bất hạnh nhưng đối với em điều đó là không hề đúng. Cách đây 14 năm, lúc đấy em đang là một học sinh tiểu học. Do  chứng bệnh Viêm màng bồ đào ở mắt mà thị lực của em đã bị mất đi 90%. Trong sáu năm phải nghỉ học để điều trị bệnh em dường như mất phương hướng hoàn toàn về tương lai của mình và cuối cùng em phải chấp nhận bản thân đã trở thành một người khiếm thị. Nhận được sự động viên của gia đình, em đã bắt đầu lại một cuộc sống mới khi tham gia vào lớp học Phục hồi chức năng tại Tỉnh hội người mù Bình Dương (đó là lớp học dạy chữ nổi cho người khiếm thị). Sau ba tháng học tập tại đây, em đã được Tỉnh hội cho  ra học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt tại trường THCS Phú Hòa và khi đó em chỉ mới học lớp 6. Vượt qua mặt cảm về độ tuổi và đôi mắt, em nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía nhà trường và Tỉnh hội nên em đã đạt được kết quả học sinh giỏi 3 năm liền tại trường THCS Phú Hòa. Kết thúc năm lớp  8, em đã quyết định một lần nữa cho bản thân có thêm những cơ hội phát triển mới bằng cách tự mình xuống Sài Gòn học tập.

 

Khi xuống Sài Gòn, em đã xin vào Mái ấm khiếm thị  Huynh Đệ Như Nghĩa. Đây là mái ấm hỗ trợ các bạn học sinh khiếm thị trong việc học tập. Tại đây, em được hỗ trợ học hòa nhập tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp  – giáo dục thường xuyên Tân Bình. Không những vậy, khi đến với mái ấm em còn được học thêm một số môn năng khiếu như: chơi nhạc cụ, chơi cờ vua và có cơ hội được thử sức với các hội thi văn hóa văn nghệ cho người khuyết tật.

Chưa dừng lại ở  đó, trong quá trình học tập ở mái ấm, em còn thường xuyên được giao lưu học hỏi với các cô chú, anh chị và các bạn sinh viên tình nguyện đến mái ấm làm công tác xã  hội. Trong thời gian đó, em đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống hiện tại và  tương lai của mình. Em tự đặt  ra cho bản thân vô số câu hỏi tại sao: “Tại sao người ta lại nói người khiếm thị thật bất hạnh?”,  “có phải người khiếm thị không thể làm được gì?”, “có phải người khiếm thị luôn phải chờ đợi người khác đến giúp đỡ?”, “nên lựa chọn cuộc sống trong vùng an  toàn hay bức  phá giới hạn và vươn lên”, … Sau rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy đến cuối cùng em cũng đã đưa ra được câu trả lời đó  là: “Người khiếm thị chỉ đơn giản là gặp bất tiện chứ không hề bất hạnh. Nếu chỉ vì những bất tiện đó mà lùi bước, tự tạo ra giới hạn cho chính mình thì thật sự không hợp lý”. Và chính câu trả lời đó đã trở thành mục tiêu thúc đẩy em phấn đấu không ngừng.

 

Kết thúc năm lớp  11 em đã chọn  con đường bước  ra khỏi vùng  an toàn bằng cách rời khỏi mái ấm. Cuộc sống tự lập đã mang đến cho em rất nhiều sự trải nghiệm thú vị. Dựa trên những khó khăn của bản thân đã cho em động lực nhận lời mời cộng tác xây dựng chương trình “Hỗ trợ người mù sống tự lập – Sao  Mai”. Đây là một chương trình kết nối các bạn tình nguyện viên đến và hỗ trợ người khiếm thị làm quen với các hoạt động của cuộc sống như: đi bệnh viện; đi mua sắm; làm thủ tục ở sân bay hoặc ga tàu; di chuyển trên lộ trình mới; làm quen đường đi đến các hiệu  thuốc, tiệm tạp hóa gần khu vực sinh sống … Khi cộng tác với chương trình, các bạn tình nguyện viên sẽ được tham gia các lớp tập huấn về kĩ năng hỗ trợ, giao tiếp với người khiếm thị. Hiện tại, chương trình đã hoạt động được sáu tháng và rất may mắn khi luôn nhận được sự quan tâm của các bạn khiếm thị cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn tình nguyện viên.

Vào tháng  02 vừa qua, em cũng đã đăng kí tham gia vào ban  quản lý của câu lạc bộ Step – Hành động vì người khiếm thị. Đây là một câu lạc bộ hoạt động chính trên nềntảng online. Với mục  đích  kết nối các bạn khiếm thị trong cả nước hỗ trợ nhau trên các phương diện như học tập, giải trí. Về học tập, câu lạc bộ mở các lớp tiếng anh online, các chuyên mục giới thiệu sách và đặc biệt trong tháng 6 này câu lạc bộ còn tổ chức sự kiện “Truyền cảm hứng học tập Thắp sáng tương lai” dành cho toàn thể các bạn khiếm thị đang mất phương hướng học tập. Về giải trí, câu lạc bộ tổ chức các cuộc thi hát, viết truyện ngắn, viết văn …

 

Đi qua một chặn đường tuy không quá dài nhưng nó đã mang đến cho em  nhiều sự trải nghiệm tuyệt vời. Nhờ đó mà em có thể thực hiện được  ước mơ của mình chính là “sứ mạng kết nối cộng đồng cùng vượt qua giới hạn cho người khiếm thị”. Đó là một con đường không hề dễ dàng, nhưng em tin với sự cố gắng và kiên trì của bản thân em sẽ làm được.

Và giờ đây, em có thể tự tin nói rằng bị khiếm thị cũng là một sự trải nghiệm. Trước kia em là người bình thường, em sống với một thế giới quan bình thường. Nhưng từ lúc bản thân bị khiếm khuyết, thế giới quan của em cũng từ đó mà trở nên sâu sắc hơn, em không còn nhìn nhận cuộc sống qua vẻ ngoài của nó nữa mà em cảm nhận chúng thông qua tất cả các giác quan còn lại, nhờ vậy mà em cảm nhận  cuộc sống này đẹp hơn qua ánh sáng của tâm hồn./.

 


KIM NHỚ (ĐTT)

Lượt truy cập: 10216

Tag: gương sáng thanh niên , huyện đoàn bàu bàng , xã long nguyên , văn minh đô thị , người khiếm thị

Đánh giá bài viết: