Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng phát huy truyền thống 90 năm ngày thành Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930-18-11-2020)

2020-11-17 16:19:00.0

CMSC Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930-18-11-2020), Phóng viên Trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh huyện Bàu Bàng đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Kim Nghĩa - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng

Trong thời gian qua MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã phát huy vai trò đoàn kết, thống nhất, giám sát và phản biện xã hội đem lại nhiều kết quả rất tích cực; Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930-18-11-2020), Phóng viên Trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh huyện Bàu Bàng đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Kim Nghĩa - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng về nội dung trên:

Câu 1: Xin bà cho biết đôi nét nổi bật về quá trình hoạt động của MT dân tộc thống nhất VN? Thời gian qua Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó như thế nào?

Trả lời:

Mặt trận Dân tộc thống nhất là một thành quả nổi bật của cách mạng Việt Nam. Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng củng cố và mở rộng còn góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền Nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang Nhân dân. Đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thực sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ

Trải qua 90 năm không ngừng phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết một lòng, đấu tranh kiên cường, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách có ý nghĩa lịch sử, là một trong những nhân tố quyết định góp phần thắng lợi chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, MTTQ VN huyện Bàu Bàng có những hoạt động thông qua phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”,  cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cuộc vận động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, các cuộc vận động xã hội, thiên tai-lũ lụt, nhân đạo từ thiện ngày càng sâu rộng, thể hiện “ý Đảng, lòng Dân”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện và các chi, đảng bộ cơ sở trong thời gian qua đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đến với Nhân dân và được nhân rộng. Đến nay có 107 mô hình tập thể và 72 mô hình cá nhân hoạt động phong phú trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó cho thấy tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo... ngày càng gắn bó. Từ đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến các ấp và các đoàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy, tạo mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, để “Đảng gần dân, dân tin Đảng”.

Bà Võ Thị Kim Nghĩa - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng.

Bà Võ Thị Kim Nghĩa - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng.

Câu 2: Hoạt động giám sát và phản biện xã hội và xây dựng đảng, xây dựng chính quyền đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của MTTQ. Xin đ/c cho biết một số kết quả nổi bật của công tác này trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Vậy thời gian tới công tác này được chú trọng như thế nào thưa bà?

Trả lời:

Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các Đoàn thể Chính trị-xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và MTTQ, các Đoàn thể và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, được tập trung, tăng cường trong những năm gần đây và trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đây cũng là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. 

Trong thời gian qua MTTQ phát huy tích cực vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức hoạt động giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận, báo chí. Qua đó kịp thời báo cáo cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị, góp ý thiết thực của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 207 cuộc giám sát, 06 cuộc phản biện xã hội và 98 cuộc lấy ý kiến góp ý; Phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát các công trình trên địa bàn, kết quả giám sát trên 64 công trình với trị giá hơn 12.492.000.000 đồng. Đóng góp ý kiến các Văn kiện của Đảng và các Luật Nhà nước...

Qua giám sát đã phát hiện nhiều nội dung, vụ việc và những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được chính quyền các cấp tiếp thu, phản hồi, giải quyết có tình có lý và kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp ; củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội Đảng đoàn MTTQ huyện xác định cần triển khai hiệu quả một số giải pháp.

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy và MTTQ các cấp về vai trò, vị trí của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về việc thực hiện quy định nêu gương. 

- Tiếp tục phát huy hiệu quả sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của MTTQ cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan giúp việc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan truyền thông đại chúng và đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân làm căn cứ để giám sát. Lựa chọn đúng, chính đáng những nội dung mà nhân dân và xã hội quan tâm, bức xúc để giám sát.

Câu 3: thưa bà, để phát huy tối đa vai trò đại diện cho Khối đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới, các cấp MTTQ sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Trả lời:

Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Trong thời gian tới Ủy ban MTTQ VN cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân các cấp và các tổ chức thành viên, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát đầu tư cộng đồng, tham gia phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và  chính quyền vững mạnh. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 23 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội”.  

Tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể ở từng loại hình cơ sở để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và cộng đồng xã hội.  Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân. Do đó, thông qua hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước luôn bền chặt, làm cho ý Đảng gắn với lòng dân./.


HOÀNG TÚ (ĐTT)

Lượt truy cập: 1210

Tag: văn minh đô thị , ủy ban mttq vn

Đánh giá bài viết: