Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Về triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2021, định hướng đến năm 2025

2021-02-22 13:43:00.0

CMSC Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) năm 2021 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

   - Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 1166/QĐ- UBND ngày 29/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn huyện.

   - Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 và định hướng đến năm 2025 là căn cứ để các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu

   - Bám sát quan điểm, định hướng về Chương trình OCOP của tỉnh và điều kiện thực tế của địa phương, xác định rõ nội dung và nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình. Chủ động, quyết tâm và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn phải xem đây là Chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

   - Các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan bổ sung nội dung, nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP vào chương trình công tác trọng tâm của đơn vị, địa phương để tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. Đồng thời thực hiện và nghiên cứu đề xuất phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

   - Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

   - Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, thị trấn; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò cấp cơ sở trong phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng và vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

2. Mục tiêu cụ thể

   - Có ít nhất 4/7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sản phẩm đăng ký tham gia. Mỗi địa phương lựa chọn 1-2 sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển theo Chương trình OCOP.

   - Tổ chức 01 lớp tập huấn về Chương trình OCOP.

   - Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý Chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

   - Có từ 01 - 03 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao.

   - Hoàn thành việc thành lập hệ thống OCOP cấp huyện và cơ sở.

III. NỘI DUNG

1. Đối tượng thực hiện

a) Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, bao gồm:

   - Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến.

   - Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn, đồ uống không cồn.

   - Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.

   - Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.

   - Lưu niệm - nội thất - trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng.

   - Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...

b) Chủ thể thực hiện:

   - Hợp tác xã, tổ hợp tác.

   - Các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

   - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy định tại Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ):

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

   + Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

   + Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

   + Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP

a) Nội dung tuyên truyền: Tổ chức tuyên truyền cho toàn thể các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP với các nội dung như: ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình OCOP; bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước về triển khai OCOP; vai trò, trách nhiệm, phân công, phân cấp trong bộ máy OCOP; chu trình OCOP thường niên; bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm; quyền lợi của sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh....

b) Hình thức tuyên truyền: Triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau: bản tin, trên hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử huyện, tờ rơi...

c) Đơn vị thực hiện: Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Phòng Kinh tế và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tài liệu tuyên truyền.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2021.

3. Xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình OCOP

a) Bộ máy cấp huyện:

   - Cơ quan chỉ đạo: Lồng ghép nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

   - Cơ quan thường trực là Phòng Kinh tế.

   - Thành lập Tổ OCOP cấp huyện.

   - Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp huyện.

b) Bộ máy cấp cơ sở:

   + Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

   + Cán bộ thường trực: Phân công nhiệm vụ cụ thể cho 01 công chức tham mưu triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn cấp cơ sở.

c) Đơn vị thực hiện: Phòng Kinh tế.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2021.

4. Tổ chức hội nghị triển khai

a) Nội dung: Quy trình triển khai Chu trình OCOP thường niên; Các khái niệm cơ bản về Chương trình OCOP, hệ thống tổ chức OCOP và nhân sự; Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; công tác quản lý, triển khai Kế hoạch; hướng dẫn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm.

b) Đối tượng tham gia: Lãnh đạo UBND huyện; thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm của huyện; lãnh đạo các ban ngành liên quan; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ phụ trách OCOP; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ kinh doanh có tiềm năng về sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Mời dự: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Chi cục Phát triển nông thôn.

c) Đơn vị thực hiện: Phòng Kinh tế.

d) Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2021.

5. Tổ chức đăng ký, lựa chon ý tưởng sản phẩn và tiếp nhận hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP

5.1. Tổ chức đăng ký sản phẩm

a) Nội dung: Triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp tác xã, tổ hợp tác; Các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình.

b) Đơn vị thực hiện: Phòng Kinh tế; UBND các xã, thị trấn.

c) Thời gian thực hiện: Từ tháng 3-4/2021.

5.2. Tổ chức lựa chọn ý tưởng sản phẩm

a) Nội dung: UBND các xã, thị trấn tiếp nhận phiếu đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình năm 2021 của các tổ chức kinh tế, xem xét hướng dẫn hoàn thiện, sau đó gửi về cơ quan thường trực Chương trình cấp huyện (Phòng Kinh tế) để tổng hợp, tổ chức đánh giá, lựa chọn các phiếu/sản phẩm khả thi, đầy đủ thông tin lập danh sách (kèm phiếu đăng ký) gửi lên Phòng Kinh tế để tổ chức xét chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

b) Đơn vị thực hiện: Phòng Kinh tế; UBND các xã, thị trấn.

c) Thời gian thực hiện: Từ tháng 4-5/2021.

6. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức kinh tế

a) Nội dung: Xây dựng phương án kinh doanh (các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh; kiến thức về thị trường và Makerting sản phẩm hàng hóa và sản phẩm OCOP; cấu trúc Phương án kinh doanh, xây dựng kế hoạch tài chính và nội dung sản xuất kinh doanh…) Tập huấn phát triển kinh tế cộng đồng phương pháp phát triển, cải tiến sản phẩm; thành lập và phương pháp quản lý, vận hành các loại hình tổ chức kinh tế: Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm; kỹ năng tiếp thị sản phẩm. Tài chính doanh nghiệp nâng cao. Chỉ dẫn và kết nối sử dụng các nguồn lực. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên các tổ chức kinh tế trong quá trình tham gia Chương trình; Tập huấn, tư vấn phát triển sản phẩm (tập huấn cho các tổ chức kinh tế về thực hiện phân tích thị trường, cung cầu sản phẩm; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm; đánh giá rủi ro trong phát triển và thương mại hóa sản phẩm; xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm, phương pháp, kiến thức thiết kế hoàn thiện bao bì, nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm... kết nối thị trường, kết nối với các nhà cung ứng đầu vào).

b) Đơn vị thực hiện: Đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp; UBND huyện; đơn vị tư vấn.

c) Thời gian thực hiện: Từ tháng 6-9/2021.

7. Tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm

a) Nội dung: Tổ chức đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kế hoạch; thành lập Hội đồng, Tổ thư ký). Đề xuất các sản phẩm đạt điểm tiềm năng từ 3 sao tham dự kỳ đánh giá, công nhận ở cấp tỉnh.

b) Đơn vị thực hiện: Hội đồng đánh giá cấp huyện; Phòng Kinh tế.

c) Đơn vị phối hợp: Chi cục Phát triển nông thôn.

d) Thời gian thực hiện: Tháng 9-10/2021.

8. Tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá Chương trình OCOP

a) Nội dung: Đánh giá kết quả triển khai Chương trình OCOP năm 2021, phương hướng triển khai năm 2022.

b) Đơn vị tham mưu thực hiện: Phòng Kinh tế.

c) Thời gian thực hiện: Dự kiến trong tháng 11/2021.

9. Về khoa học công nghệ

   - Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.

   - Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

   - Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP.

10. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

   - Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong huyện tham gia Hội chợ triển lãm trong huyện, tỉnh và các tỉnh.

   - Tổ chức khu gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm đặc trưng của huyện tại các Hội chợ lớn, để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

   - Hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP.

   - Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.


BAN BIÊN TẬP

Tài liệu đính kèm: 14-kh_1.PDF.pdf

Lượt truy cập: 3306

Tag: thông báo , sản xuất kinh doanh , chương trình mục tiêu quốc gia

Đánh giá bài viết: