Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu ở địa bàn huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2020

2015-11-04 00:00:00.0

Căn cứ Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY ngày 03 tháng 02 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”; Căn cứ Kế hoạch số 3106/KH-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu ở địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2020; Ủy ban nhân dân huyện lập Kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu ở địa bàn huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2020, cụ thể như sau:

I. Đánh giá và nhận định tình hình

1. Tình hình dịch cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà

Tại tỉnh Bình Dương đã khống chế dịch Cúm gia cầm từ đầu tháng 8/2005 đến năm 2012, không để xảy ra bệnh Cúm gia cầm. Trong tháng 8/2013 và quý I/2014, xảy ra 3 trường hợp bệnh Cúm gia cầm trên gà, vịt ở xã Tân Định (thị xã Bến Cát), trên vịt ở phường Phú Hòa (thành phố Thủ Dầu Một) và trên gà tại xã Hiếu Liêm (huyện Tân Uyên). Cả 03 ổ dịch trên được cơ quan Thú y vùng VI xét nghiệm xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N1, đã được Chi cục Thú y khống chế và xử lý kịp thời, triệt để.

Trên địa bàn huyện Bàu Bàng, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện trường hợp dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà.

2. Kiểm soát chăn nuôi gia cầm

Tổng đàn chăn nuôi gia cầm hình thức hộ chăn nuôi gia đình khoảng 314.447 con chiếm trên 15% tổng đàn gia cầm của huyện, số cơ sở chăn nuôi gà tập trung là 131 cơ sở với số lượng 2.096.316 con, trong đó có 34 cơ sở chăn nuôi theo mô hình trại kín lạnh và 97 cơ sở chăn nuôi theo mô hình hở; nguy cơ xảy ra dịch bệnh chủ yếu ở hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Một số hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.

Chăn nuôi một số loại sinh vật cảnh như: Gà kiểng, gà đá, chim công, trĩ chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đối với các hộ chăn nuôi hình thức trang trại, Trạm Thú y đều thực hiện quản lý chăn nuôi ngay từ khi nhập gà vào trại và được thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm.

3. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Tình hình các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép; vận chuyển sản phẩm gia cầm chung với các loại hàng hóa khác vẫn còn xảy ra.

- Các trường hợp vận chuyển gia cầm (gà đá, vịt) từ các tỉnh Miền Tây với số lượng nhỏ bằng hình thức hành lý mang theo trên phương tiện vận tải hành khách không thể kiểm soát.

- Các điểm buôn bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm trái phép, kinh doanh sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm soát của cơ quan Thú y vẫn còn tồn tại, tập trung ở các khu dân cư, chợ xen lẫn trong các khu Công nghiệp.

* Nhận định nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn huyện Bàu Bàng:

+ Từ các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ.

+ Từ các đàn gia cầm, thủy cầm sống và sản phẩm gia cầm nhập lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ, mua bán gà lông, giết mổ trái phép.

+ Các điểm kinh doanh chim cảnh, chim phóng sinh, các khu vui chơi giải trí có nuôi chim cảnh.

          II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà ở địa bàn huyện Bàu Bàng, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

Thực hiện xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tập trung vào các cơ sở chăn nuôi trong vùng quy hoạch để được công nhận an toàn dịch.

2.1. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

- Đến tháng 12/2015: Có 30% cơ sở chăn nuôi gà tập trung được công nhận an toàn dịch bệnh (đã có 31 cơ sở chăn nuôi gà được công nhận).

- Đến tháng 12/2016: Có 50% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 30% số xã được công nhận an toàn dịch bệnh.

- Đến tháng 7/2017: Có trên 90% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 10 % số xã được công nhận an toàn dịch bệnh.

2.2. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

- Đến tháng 7/2017: Hoàn thành việc khống chế bền vững bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn ở quy mô nông hộ và trang trại; hoàn tất xây dựng hồ sơ về vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên gà theo kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận.

2.3. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trình tổ chức thú y thế giới (OIE: organisation Internationale des Employeurs) công nhận

- Đến tháng 12/2018: Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình OIE công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.

- Đến tháng 12/2020: Dự kiến sẽ được OIE công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.

III. Nội dung thực hiện

1. Thông tin tuyên truyền

- Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền những lợi ích và nhiệm vụ cần làm trong kế hoạch cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Bàu Bàng.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh hàng năm của tỉnh và của huyện.

- Tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi tập trung (doanh nghiệp và trang trại) thực hiện các công việc đáp ứng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của OIE đăng ký tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các buổi tập huấn, hội thảo tuyên truyền cho một số đối tượng liên quan (người hành nghề thú y, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi) về việc phối hợp trong công tác chẩn đoán, phát hiện và báo cáo dịch bệnh trên gia cầm nhằm giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vùng.

2. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm

- Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từng bước từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với điều kiện của địa phương dựa trên điều kiện về đất đai, môi trường, con giống, nguồn cung cấp thức ăn và nhu cầu thị trường.

- Thực hiện quản lý chăn nuôi gia cầm, thủy cầm theo Thông tư số 92/2007/TT-BNN ngày 19/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm; Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 11/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 Quy định tạm thời Quản lý nuôi chim yến; Quyết định số 261/2005/QĐ-UBND ngày 01/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấm nuôi gia cầm, chim cảnh trong thành phố, thị xã, thị trấn, các khu dân cư...

- Tổ chức xây dựng và thực hiện các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch hàng năm của tỉnh. Thực hiện theo chỉ đạo của cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch Cúm gia cầm H5N1 giai đoạn 2014 - 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Niu-cát-xơn trên gà ở Bàu Bàng. Tập trung vào công tác tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, thực hiện chương trình giám sát tỷ lệ bảo hộ và giám sát lưu hành của vi rút đối với 02 bệnh xây dựng an toàn dịch. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng định kỳ và bổ sung hàng năm, sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tại các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện như sau: Vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên, nhất là phương tiện và người ra vào trại phải được vệ sinh tiêu độc; thực hiện các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm và hạn chế “stress” gây nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

- Thực hiện tốt tháng hành động vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi. Đối với cơ sở giết mổ phải thực hiện việc vệ sinh tiêu độc sát trùng hàng ngày nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

- Kiện toàn hệ thống kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, chế biến sản phẩm động vật ở địa bàn huyện. Duy trì, củng cố chốt kiểm dịch, tăng cường hoạt động chốt kiểm dịch theo chương trình dự án an toàn dịch của tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các thị trường tiêu thụ gia cầm. Tăng cường kiểm soát nguồn gia cầm nhập vào huyện tại các chợ. Tăng cường hoạt động Đội kiểm tra Liên ngành huyện kiên quyết xử lý gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của ngành Thú y.

3. Tổ chức hoạt động giám sát dịch bệnh và lập hồ sơ công nhận an toàn dịch bệnh

- Tiến hành triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức giám sát dịch bệnh tại vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Quyết định số 66/QĐ-BNN-PTNT ngày 26/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tất cả các trường hợp gia cầm mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, chết nghi do cúm gia cầm hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm, đều phải được xử lý tiêu hủy triệt để; những đàn gia cầm nuôi xung quanh hoặc có mối liên hệ về mặt dịch tễ đều phải được giám sát chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm bổ sung.

- Lập và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

4. Thực hiện các chính sách

- Tổ chức thực hiện các chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi được ban hành đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm xuất phát từ cơ sở chăn nuôi gia cầm, đã được công nhận an toàn dịch bệnh theo chỉ đạo chung của tỉnh.

- Chính sách hỗ trợ tiêm phòng, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh: Tiếp tục thực hiện các chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về hỗ trợ vắc xin đối với chăn nuôi quy mô nhỏ và kinh phí hỗ trợ việc tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện

          Là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch trên toàn huyện theo nội dung Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến trong quá trình thực hiện công tác, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, gia cầm huyện tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai các giải pháp bổ sung cho phù hợp.

2. Phòng Kinh tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm)

- Chủ trì, phối hợp với Trạm Thú y Bến Cát - Bàu Bàng và Ủy ban nhân dân các xã tổ chức triển khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến... để thực hiện. Đồng thời thực hiện các chương trình giám sát:

+ Thiết lập hệ thống thông tin cho công tác giám sát thường xuyên và đột xuất.

+ Giám sát lâm sàng nhằm phát hiện sớm nếu có ổ dịch xảy ra.

+ Giám sát vi rút: Định kỳ lấy mẫu giám sát theo kế hoạch đề ra nhằm phát hiện sự lưu hành của vi rút.

+ Giám sát huyết thanh: Giám sát sau tiêm phòng cúm nhằm đánh giá hiệu quả tiêm phòng, đảm bảo trên 70% gia cầm được tiêm phòng, có kháng thể bảo hộ chống lại vi rút gây bệnh.

+ Xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin về các hoạt động giám sát để lập hồ sơ trình OIE công nhận.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh huyện xây dựng và triển khai các chương trình cổ động, tuyên truyền đối với các đối tượng có liên quan về quyền lợi, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

3. Ủy ban nhân dân các xã

- Tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch của huyện. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn tại địa phương.

- Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (chủ cơ sở) chăn nuôi gia cầm ở địa phương với mục đích chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện.

- Chỉ đạo các ấp thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan thực hiện Đề án. Có biện pháp quản lý để các hộ chăn nuôi gia cầm chấp hành tốt việc tiêm phòng, quản lý dịch bệnh đối với các bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Trạm Thú y Bến Cát - Bàu Bàng lập kế hoạch và đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch là xã thuộc vùng an toàn của huyện đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn.

4. Đối với chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công ty chăn nuôi gia cầm

- Chấp hành quy định của pháp luật về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch.

- Bố trí nguồn lực và kinh phí triển khai thực hiện các yêu cầu đã đặt ra để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thú y để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

5. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ, lẻ

- Chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Hưởng ứng các chương trình tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm định kỳ 02 lần/năm và tiêm phòng bổ sung đạt tỷ lệ cao.

- Khi có gia súc, gia cầm chết do bệnh truyền nhiễm phải báo cáo cho cơ quan thú y để tiến hành mổ khám, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhằm hỗ trợ cho công tác phòng và điều trị bệnh chính xác, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

- Từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh.


TẢI Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 04/11/2015 của Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng


Lượt truy cập: 519

Đánh giá bài viết: