Một số hướng dẫn, ví dụ tuyên truyền, phổ biến cho người dân về kỹ năng số cơ bản
1. Hướng dẫn sử dụng công cụ tìm kiếm thông
tin trên môi trường Internet
Hiện nay, có
nhiều công cụ tìm kiếm, có thể kể đến như: công cụ tìm kiếm Google, Cốc Cốc,
Bing….Trong đó, Google là công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến hiện nay.
Ví dụ về tìm kiếm
thông tin bằng công cụ tìm kiếm của Google:
Để sử dụng công
cụ tìm kiếm, người dùng thực hiện các thao tác tìm kiếm trên máy vi tính hoặc
điện thoại di động thông minh:
+ Thứ nhất, người
dùng cần kiểm tra bảo đảm máy vi tính hoặc điện thoại di động đã được kết nối
mạng Internet.
+ Thứ hai, người
dùng truy cập vào trang web: https://www.google.com/ và tìm kiếm theo từ khóa, ví dụ “dự báo
thời tiết trong 5 ngày tới ở Hà Nội”. Google sẽ tìm kiếm theo từ khóa đó và
hiển thị tất cả kết quả tìm kiếm là các website có chứa thông tin “dự báo thời
tiết trong 5 ngày tới ở Hà Nội”. Người dùng lựa chọn 1 website để xem thông tin
về dự báo thời tiết trong 5 ngày tới ở Hà Nội.
Với công cụ tìm
kiếm người dùng có thể tìm kiếm bất cứ thông tin gì mong muốn, chỉ cần nhập
đúng từ khóa hoặc nội dung cần tìm kiếm thì công cụ tìm kiếm sẽ đưa ra kết quả
mà người dùng cần.
2. Hướng dẫn cách
đánh giá dữ liệu, thông tin và các nội dung trên trang web
Một số cách mà người
dùng có thể sử dụng để đánh giá xem một trang web hay một nội dung trên trang
web có đáng tin cậy hay không và liệu thông tin người dùng tìm thấy là đúng hay
sai.
Trước tiên, người
dùng cần biết về cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức đã công bố thông tin đó và mục
đích là gì, tức là nguồn gốc của thông tin? Trong khi một số cá nhân hay tổ
chức sản xuất, tạo lập nội dung số với mong muốn chia sẻ thông tin hữu ích trực
tuyến thì cũng có những người khác cung cấp thông tin lên môi trường mạng vì
động cơ không đúng đắn (ví dụ những tin giật gân, thu hút nhiều lượt đọc, tìm
kiếm vì mục đích lợi nhuận; hoặc những thông tin nhằm định hướng sai lệch đạo
đức, quy phạm, v.v.). Vì vậy, người dùng cần tránh dựa hoàn toàn vào thông tin
từ các nguồn thông tin không khách quan.
Ví dụ: Nếu người
dùng tìm thấy một bài báo nói rằng mọi người nên mua thực phẩm chức năng vì
ngày càng có nhiều người bị ung thư và sau đó người dùng thấy rằng tác giả của
bài viết là một công ty bán thực phẩm chức năng, có khả năng nhà xuất bản của bài
viết đang chia sẻ thông tin không khách quan. Thông tin không khách quan không
phải lúc nào cũng xấu. Cũng có các blogger cá nhân, những người xuất bản bài
viết để chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng của riêng họ, có thể trình bày thông tin có
giá trị. Tuy nhiên, người dùng nên nhận thức được sự thiên vị của bất kỳ tác
giả nào đối với thông tin mà ta tiếp nhận.
Thứ hai, kiểm tra
tên miền. Loại tên miền mà trang web được lưu trữ trên đó có thể cho người dùng
biết một phần về loại nội dung người dùng đang xem. Các trang web kết thúc bằng
đuôi “.gov.vn” thường là các trang web chính thức của Chính phủ. Các trang web
kết thúc bằng “.edu.vn” thường được xuất bản bởi các tổ chức giáo dục và các
trang web kết thúc bằng “.org” là các tổ chức quốc tế. Hoặc các trang web được
sử dụng cho thương mại thường kết thúc bằng đuôi “.com”. Dựa vào tên miền của
trang web, người dùng cũng có thể đánh giá mức độ chính xác hoặc sai lệch của
thông tin mà trang web cung cấp.
Thứ ba, kiểm tra
thời gian của thông tin được cung cấp bởi trang web. Ví dụ, người dùng muốn tìm
kiếm thông tin về “tỷ lệ học sinh Hà Nội thi đỗ vào trường công lập 2 năm gần
đây”. Kết quả tìm kiếm của các trang web cho ta thông tin về tỷ lệ học sinh Hà
Nội thi đỗ vào trường công lập của những năm 2015 chẳng hạn, cũng là các thông
tin không còn phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của ta vì rất nhiều điều đã thay đổi
kể từ đó. Do đó, khi tìm kiếm thông tin trên internet, người dùng kiểm tra ngày
mà thông tin được cung cấp trên trang web đó để xác định xem những thông tin đó
có hiện hành và phù hợp với nhu cầu của người dùng không.
Thứ tư, người
dùng phải luôn kiểm tra nhiều nguồn thông tin. Tránh dựa vào một nguồn thông
tin duy nhất tìm kiếm được. Càng kiểm tra từ nhiều nguồn, người dùng càng dễ
xác minh tính chính xác của thông tin mà người dùng tìm được.
Thứ năm, người
dùng cũng cần phải phân biệt giữa các thông tin nhằm thu hút lượt xem, lượt
đọc, lượt truy cập vì mục đích không đúng đắn, thông tin xấu độc với thông tin
từ kết quả nghiên cứu đáng tin cậy. Ví dụ, các tiêu đề giật gân hoặc nửa vời dễ
kích thích trí tò mò của người đọc là những dạng thông tin xấu độc cần loại bỏ.
3. Hướng dẫn cách
tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử
Các sàn thương
mại điện tử phổ biến hiện này ở Việt Nam gồm có: Lazada, Shopee, Tiki,
Sendo,...
Ví dụ cho người
dùng cách tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee:
Để tham gia bán
hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee người dùng cần thực hiện như
sau:
Thứ nhất, để thực
hiện việc bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, người dùng cần có
thiết bị di động hoặc máy vi tính có kết nối Internet.
Thứ hai, cần có
tài khoản của sàn thương mại điện tử để tham gia việc mua, bán hàng trực tuyến.
Ví dụ: Cách tạo tài khoản để tham gia mua, bán hàng trực tuyến trên nền tảng
Shopee:
-> Bước 1: Tải ứng
dụng Shoppe trên ứng dụng CHPlay (điện thoại sử dụng hệ điều hành Android) hoặc
AppStore (điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS).
-> Bước 2: Sau khi
tải ứng dụng về, truy cập vào ứng dụng và thực hiện nhấn nút đăng ký tài khoản
bằng số điện thoại hoặc nhanh hơn bằng cách đăng ký qua Email hay Facebook.
-> Bước 3: Người
dùng nhập số điện thoại của mình rồi bấm nút “Gửi mã xác minh”, Hệ thống sẽ tự
động gửi mã xác minh đến điện thoại của người dùng.
-> Bước 4: Nhận được mã xác minh, người dùng nhập mã xác
minh, mật khẩu và hình ảnh xác thực. Khi đăng ký thành công, hệ thống của
Shoppe sẽ thông báo chúc mừng bạn đăng ký thành công.
-> Bước 5: Sau khi
đã đăng ký xong tài khoản trên Shopee, người dùng cần thiếp lập các thông tin
cơ bản cho gian hàng Shoppe các thông số:
+ Đặt tên cửa hàng trên Shopee, tên cửa hàng
nên đặt liên quan đến sản phẩm sẽ bán thì khi đó người mua mới dễ dàng nhớ đến
cửa hàng của người dùng.
+ Tiếp đến cần
điền đầy đủ thông tin như mô tả cửa hàng và hình ảnh. Dựa vào những thông tin
đó, người mua có thể biết cửa hàng của người dùng đang bán sản phẩm gì và
chuyên về lĩnh vực nào.
+ Tiếp theo,
người dùng cần vào mục “Địa chỉ cửa hàng” để điền thông tin điểm lấy hàng: tên
đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ để người vận chuyển đơn hàng có thể liên hệ
đến lấy hàng.
+ Cuối cùng,
người dùng cần vào mục “Cài đặt vận chuyển” để lựa chọn đơn vị vận chuyên khác
nhau như: Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Shopee Express...
Thứ ba, sau khi
hoàn tất việc tạo tài khoản, thiết lập các thông tin cho gian hàng trên Shopee,
người dùng bắt đầu tiến hành việc đăng tải các sản phẩm theo như mô tả thông
tin của Shopee để tiến hành bán hàng trực tuyến.
4. Hướng dẫn đăng
ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tham gia vào dịch vụ công trực
tuyến
Để đăng ký tài
khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia người dùng cần thực hiện những bước sau:
-> Bước 1:Truy cập
vào trang chủ Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và chọn “Đăng
ký”.
-> Bước 2: Chọn đối
tượng đăng ký: Công dân, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước.
Trong phạm vi nội
dung hướng dẫn này sẽ hướng dẫn cho người dân đăng ký bằng mã số Bảo hiểm xã
hội (BHXH).
Người dân có thể
đăng ký qua 01 trong 05 hình thức:
+ Đăng ký bằng mã
số BHXH.
+ Đăng ký bằng số
điện thoai (Số điện thoại đã đăng ký bằng CMND/CCCD với nhà mạng).
+ Đăng ký thông
qua Bưu điện Việt Nam.
+ Đăng ký bằng
USB ký số.
+ Đăng ký bằng
SIM ký số.
-> Bước 3: Nhập đầy
đủ các thông tin hiện trên bảng đăng ký yêu cầu (Tên đăng nhập; Mã BHXH, Họ
tên, Ngày sinh, Số điện thoại, Email) và chọn “Đăng ký” sau khi điền xong thông
tin.
-> Bước 4: Nhập mã
OTP được gửi về số điện thoại người dùng đăng ký.
-> Bước 5: Nhập mật
khẩu và nhận thông báo đăng ký thành công. Sau khi đăng ký thành công, người
dùng tiến hành đăng nhập để tham gia vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
5. Khuyến cáo một
số cách thức phòng tránh những mỗi nguy hiểm trên không gian mạng
Sử dụng mật khẩu
mạnh: Sử dụng mật khẩu dài, phức tạp và đa dạng cho các tài khoản của người
dùng. Không sử dụng mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, họ tên hoặc thông tin cá
nhân khác.
Cập nhật phần mềm
định kỳ: Đảm bảo phần mềm hệ điều hành, trình duyệt web và các ứng dụng khác
đều được cập nhật mới nhất để bảo vệ chống lại các lỗ hổng bảo mật.
Cảnh giác với
email lừa đảo (phishing): Luôn kiểm tra xem email có phải từ nguồn tin cậy
không trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm nào.
Không chia sẻ
thông tin cá nhân: Không nên chia sẻ thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số
điện thoại, trường học, nơi làm việc hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào trên
mạng xã hội hoặc các diễn đàn trực tuyến.
Nâng cao kiến
thức về không gian mạng: Người dùng chủ động tìm hiểu về các mối đe dọa trực
tuyến và cách phòng tránh mối đe dọa mất an toàn thông tin qua các kênh thông
tin chính thống về an toàn thông tin như: thông tin được cung cấp từ các cơ
quan, đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin, các báo điện tử chính
thống,...
Nên xem tin tức
từ những nguồn chính thống: Việc xem thông tin từ những nguồn chính thống giúp
người dùng tiếp cận được các nguồn thông tin chính xác, tránh được các thông
tin xấu độc, lừa đảo người dùng và cách trang web chính thống có các biện pháp
bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng khi truy cập./.