Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Bàu Bàng năm 2018

2017-11-14 00:00:00.0

Căn cứ Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2011của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”;

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 như sau:

I. MỤC TIÊU

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đồng thời nhằm giúp cho lao động nông thôn nắm được những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật và tay nghề để có cơ hội tìm việc làm.

Năm 2018 Huyện dự kiến tổ chức đào tạo nghề cho 375 người là lao động nông thôn.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HỖ TRỢ HỌC NGHỀ

1. Đối tượng áp dụng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề

a) Trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15-55 tuổi; nam từ đủ 15-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

b) Có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.

c) Đối với lao động nông thôn: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại các xã đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.

d) Đối với người khuyết tật: Có giấy xác nhận khuyết tật hoặc thẻ xác nhận là người khuyết tật hoặc sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng (các xã tổng hợp danh sách gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, sau đó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách của các xã gửi trực tiếp về Trung tâm dạy nghề Người khuyết tật của tỉnh để được đào tạo và quyết toán theo quy định).

đ) Đối với lao động bị mất việc làm:

- Trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ sau: Quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động.

- Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).

e) Đối với người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm thì ngoài các giấy tờ được quy định tại Điểm đ cần bổ sung thêm chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo trước đó.

g) Đối với người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh: Quyết định thu hồi đất còn trong thời hạn được hỗ trợ quy định tại Điều 4 Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

h) Người chấp hành xong án phạt tù.

Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.

3. Xác định đối tượng được hỗ trợ học nghề

- Người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được xác định theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH ngày 28/9/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh) được xác định theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách bảo lưu đối với hộ thoát nghèo.

- Người khuyết tật được xác định theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Người bị thu hồi đất canh tác được xác định theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối tượng lao động nông thôn khác là lao động không thuộc nhóm đối tượng 1, 2 trong Đề án 1956 và có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh gồm một trong những đối tượng sau:

+ Đang làm việc nhưng chưa được đào tạo nghề trong lĩnh vực đó: Đây là các đối tượng làm nghề tự do, tại nhà, không phải làm việc tại các loại hình doanh nghiệp. Ví dụ: Gia công may công nghiệp, may gia dụng tại nhà; tự hành nghề tóc, sữa chữa điện thoại; cạo mủ cao su cho tiểu điền hoặc tại nhà…

+ Đang làm việc nhưng thiếu việc làm (ví dụ lao động thời vụ);

+ Thiếu việc làm (người có số giờ làm việc bình quân/ tuần nhỏ hơn 40 giờ hoặc ít hơn giờ theo chế độ quy định đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại nhưng có nhu cầu làm thêm giờ và sẵn sàng làm việc khi có việc);

+ Không có việc làm và đang tìm việc.

* Những đối tượng sau đây không được hỗ trợ theo chính sách của Đề án

- Học sinh, sinh viên đang theo học Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hoặc đang theo học hệ chính quy tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, trường nghề;

- Những người đang hưởng lương từ các loại hình doanh nghiệp, các cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước: Đây là những người đang làm việc tại tất cả các loại hình doanh nghiệp (kể cả nhà nước và tư nhân) có hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.

- Những người đang hưởng lương hưu hàng tháng.

Lưu ý: Tất cả các đối tượng được hỗ trợ học nghề theo Kế hoạch này đều phải có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

III. CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

1. Chính sách đối với người học

a) Mức hỗ trợ chi phí đào tạo:

- Người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn Luật: tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.

- Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: tối đa 04 triệu đồng/người/ khóa học.

- Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; lao động nữ bị mất việc làm: tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.

- Người thuộc hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh): tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.

- Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng trên: tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.

- Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu trên chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.

Lưu ý: Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương. Định mức này đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ sở dạy nghề tính toán các mức chi cụ thể.

b) Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại:

- Nhóm 1: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, cụ thể:

+ Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000đồng/người/ngày thực học.

+ Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xã nơi cư trú từ 15 km trở lên.

- Nhóm 2: Lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương) được hỗ trợ tiền ăn với mức 10.000đồng/ngày thực học/người;

- Nhóm 3: Lao động nông thôn khác được hỗ trợ tiền ăn với mức 10.000đồng/ngày thực học/người;

- Riêng lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề, đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú (được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú).

2. Hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội

- Lao động nông thôn được vay vốn để học nghề theo quy định hiện hành. Nếu làm việc ổn định ở địa phương (có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã) sau khi học nghề sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất đối với các khoản đã vay.

*Lưu ý: Mỗi người chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của chương trình này. Những người trước đây đã được hỗ trợ học nghề theo những chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của chương trình này nhưng tối đa không quá 03 lần.

3. Chính sách đối với giáo viên, giảng viên

Giáo viên, giảng viên, người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề lao động nông thôn) được trả tiền công giảng dạy với mức 37.500 đồng/giờ; người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong các lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 300.000 đồng/buổi.

IV. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO, ĐỊA ĐIỂM ĐÀO TẠO

Đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được thực hiện dưới hình thức đào tạo lưu động tại các xã, theo cụm dân cư.

V. KẾ HOẠCH MỞ LỚP

TT

Tên nghề đào tạo

Số lớp

Dự kiến số học viên

Dự kiến tên cơ sở sẽ liên kết đào tạo

I

Nghề Phi nông nghiệp

06

180

01

May công nghiệp

01

30

TTGDTX-HN thị xã Bến Cát

02

Thiết kế tạo mẫu tóc

01

30

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương

03

Nấu ăn đãi tiệc

01

30

04

Lái xe nâng hàng

01

30

05

Cắm hoa

01

30

06

Trang điểm

01

30

II

Nghề Nông nghiệp

0

0

Cộng

06

180

Tải Kế hoạch 127/KH-UBND ngày 9/11/2017 của UBND huyện Bàu Bàng


Lượt truy cập: 471

Đánh giá bài viết: