Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Bàu Bàng năm 2019

2019-09-24 00:00:00.0

Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Bàu Bàng năm 2019

Để chủ động không để dịch lớn xảy ra, không có người chết và giảm số người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Bàu Bàng năm 2019 như sau:

Bệnh SXH tại huyện Bàu Bàng đang diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh trong thời gian qua, số ca mắc SXH đến hết tuần 36 năm 2019 là 226 ca (tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2018). Địa phương có số ca mắc SXH cao nhất là Thị trấn Lai Uyên có 82 ca, Trừ Văn Thố 53 ca, Hưng Hòa 32 ca, Long Nguyên 23 ca, Lai Hưng 18 ca, Tân Hưng 13 ca, Cây Trường II 05 ca.

Dự báo số ca mắc bệnh SXH vẫn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do nhiệt độ trung bình tăng, thời tiết thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ sinh trưởng và phát triển.

Mục tiêu chung

- Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết năm 2019;

- Giảm số mắc, số tử vong, không để dịch lớn xảy ra.

Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường công tác truyền thông cộng đồng về việc diệt lăng quăng tại hộ gia đình và phải duy trì thường xuyên để phòng chống sốt xuất huyết.

- Tổ chức và duy trì diệt lăng quăng tại 100% các điểm “Nóng” trong huyện và các địa phương có số ca mắc tăng nhanh... Đảm bảo không bỏ sót hộ gia đình không được kiểm tra dụng cụ chứa nước, không bỏ sót dụng cụ chứa nước không được kiểm tra, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có lăng quăng không được xử lý.

- Phối hợp phun hóa chất diệt muỗi chủ động 100% các xã, thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch.

Thời gian triển khai

- Tổ chức thường xuyên mỗi tuần/lần tại các điểm nóng và 2 tuần/lần tại các địa phương còn lại.

Địa bàn triển khai

- Triển khai 100% ấp/khu phố trên địa bàn huyện.

Hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXH và huy động sự tham gia của cộng đồng phát hiện loại bỏ ổ lăng quăng/bọ gậy, loại bỏ các vật dụng phế thải, sử dụng tác nhân sinh học diệt lăng quăng/bọ gậy (thả cá).

- Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy đến từng hộ gia đình và các tổ chức quần chúng trong các đợt Chiến dịch.

- Huy động sự tham gia của cộng đồng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Thực hành tại địa phương

Lăng quăng/bọ gậy Aedes phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, vì vậy xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả:

- Xử lý dụng cụ chứa nước:

+ Tất cả các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...): dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (súc rửa, đậy nắp thật kín, thả cá, phá hủy...).

+ Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.

- Loại trừ ổ lăng quăng/ bọ gậy khi phát hiện, đối với bẫy kiến (chén kê chân chạn bảo quản thức ăn), lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi vằn (Aedes aegypti, Aedes albopictus).

- Thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt.

- Các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre...): loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi.

- Địa phương vận động các hộ gia đình, các chủ nhà trọ, các cơ sở sản xuất trên địa bàn và thanh niên, học sinh tham gia vệ sinh môi trường công cộng, kể cả tại các vườn - nhà dân vắng chủ - bãi đất trống bỏ hoang, các nơi vứt bỏ sản phẩm bị hư hỏng ở xung quanh khu vực các cơ sở sản xuất thủ công, hay các lò gốm... Mục đích chủ yếu là diệt lăng quăng và triệt phá nơi sinh sản của muỗi.

- Sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: Bể cảnh, lọ hoa...

Huy động cộng đồng

* Đối với cá nhân

- Vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng chống SXH bao gồm loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt.

- Phòng muỗi đốt: Làm lưới chắn muỗi vào nhà, thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài nếu có thể, nhất là đối với trẻ nhỏ.

- Xua, diệt muỗi: Sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây. Treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ hoặc sử dụng vợt điện...

* Đối với cộng đồng

- Hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy cần sự tham gia tích cực của mỗi hộ gia đình, trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở của chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng của tất cả các tổ chức chính trị - chính trị xã hội.

- Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của véc tơ nơi công cộng và tư nhân. Tuyên truyền rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, áp phích, tranh tuyên truyền, các cuốn sách nhỏ, mạng lưới cộng tác viên y tế, hoạt động của nhà trường. Đánh giá tình hình dịch và những kết quả tham gia của cộng đồng.

- Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của véc tơ ở nhà cũng như ở trường học. Động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp thiết thực.

- Kết hợp các hoạt động phòng chống SXH với các lĩnh vực phát triển dịch vụ cộng đồng khác như: Dịch vụ thu gom rác, cung cấp nước sinh hoạt... nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Tải Văn bản để xem nội dung đầy đủ./.


Lượt truy cập: 402

Đánh giá bài viết: