Truy cập nội dung luôn

Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bàu Bàng

People's Committee of Bau Bang

Triển khai phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Bàu Bàng

2015-09-25 00:00:00.0

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưởng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch; Thực hiện Công văn số 1400/SYT-NV ngày 13 tháng 8 năm 2015 của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết;

TẢI toàn bộ Kế hoạch 103/KH-BCĐ

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người huyện Bàu Bàng xây dựng Kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết năm 2015 trên địa bàn huyện như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra và do trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong, đặc biệt là cho trẻ em vì không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa, dù đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống sốt xuất huyết nhưng đây vẫn là bệnh dịch lưu hành tăng cao trong mùa mưa và thường xuyên gây ra dịch trong cộng đồng.

- Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh đang diễn ra phức tạp. Tính từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 7 năm 2015 đã có 1.123 ca mắc bệnh tăng 211 ca so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó có 2 trường hợp tử vong:

+ Bé: Võ Ngọc Phương Huy; sinh năm: 12/12/2008; địa chỉ: Số 93/5, khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (Bé tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 05/8/2015).

+ Bé: Nguyễn Thành Trung; sinh năm: 20/11/2004; quê quán: Bình Định; nghỉ hè nên vào nhà bà con chơi tại Khu phố 2, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một (Bé tử vong ngày 09/8/2015 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

-      Trên địa bàn huyện Bàu Bàng tính từ đầu năm đến ngày 24 tháng 8 năm 2015 đã có 32 ca mắc bệnh, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2014, không ca tử vong. Trong đó số ca mắc bệnh nhiều nhất tại xã Lai Hưng là 17 ca; xã Lai Uyên 6 ca; Trừ Văn Thố 3 ca; xã Tân Hưng 2 ca; Hưng Hòa 2 ca; Xã Long Nguyên 2 ca.

Do tình hình phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người huyện Bàu Bàng khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện nhằm kịp thời ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch, tránh để lây lan trên diện rộng, đặc biệt là những tháng còn lại trong năm.

II. NỘI DUNG

1.  Mục tiêu chung

- Giảm tỉ lệ chết.

            - Giảm tỉ lệ mắc bệnh.

            - Khống chế không để dịch lớn xảy ra.

- Huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia tạo ra một phong trào, triệt để và toàn diện trong phạm vi toàn huyện nhằm hạ thấp mật độ muỗi vằn trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người, làm chuyển đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế sự lây truyền bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Ngăn chặn không để dịch lan rộng.

- Tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Nâng cao nhận thức người dân về bệnh sốt xuất huyết.

- Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, khu vực nhà trọ.

- Tổ chức diệt lăng quăng/ bọ gậy thường xuyên đền từng hộ gia đình.

- Phun hóa chất diệt muỗi những khu vực có nhiều ca bệnh.

3. Giải pháp

a) Giảm nguồn sinh sản của muỗi

- Lăng quăng/ bọ gậy Aedes có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, vì vậy xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

b) Xử lý dụng cụ chứa nước

- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt (Chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...): Dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (Có nắp đậy thật kín, thả cá...).

            - Lật úp các dụng cụ gia đình như: Xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.

c) Loại trừ ổ bọ gậy

- Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/ tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi Aedes aegypti.

- Thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (Chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt.

- Các hốc chứa nước tự nhiên (Hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): Loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi.

- Sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: Các hố ga ngăn mùi, bể cảnh...

d) Tuyên truyền

- Phối hợp với các cơ quan thông tin tại địa phương bao gồm: Đài Truyền thanh, báo chí và các phương tiện thông tin khác.

- Tuyên truyền rộng rãi về cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

e) Huy động cộng đồng

- Đối với cá nhân

+ Vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng chống sốt xuất huyết bao gồm: Loại bỏ các ổ lăng quăng/ bọ gậy, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt.

+ Phòng muỗi đốt: Làm lưới chắn muỗi vào nhà, thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài nếu có thể, nhất là đối với trẻ nhỏ.

+ Xua, diệt muỗi: Sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây. Treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ hoặc sử dụng vợt điện...

-      Đối với cộng đồng

+ Hoạt động diệt lăng quăng/ bọ gậy cần sự tham gia tích cực của mỗi hộ gia đình, trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở của chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội.

+ Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/ bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/ lần ở những tháng còn lại trong năm để loại trừ nơi sinh sản của muỗi nơi công cộng.

+ Tuyên truyền rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, áp phích, tranh tuyên truyền, các cuốn sách nhỏ, mạng lưới cộng tác viên y tế, hoạt động của nhà trường.

+ Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi ở nhà cũng như ở trường học.

+ Kết hợp các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết với các lĩnh vực phát triển dịch vụ cộng đồng khác như: Dịch vụ thu gom rác, cung cấp nước sinh hoạt... nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1.  Phòng Y tế

-      Phối hợp với Trung tâm Y tế theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động xử lý nhanh các ổ dịch mới phát hiện; báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện.

-      Tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về việc chỉ đạo các cơ quan, trường học, công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực nhà chung cư, khu nhà trọ công nhân, học sinh, sinh viên tổ chức tổng vệ sinh môi trường trong khu vực của mình.

2.  Đài Truyền thanh huyện

Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách phát hiện, mức độ nguy hiểm, cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các nội dung có liên quan.

3.  Trung tâm Y tế huyện

-      Thành lập đội phòng chống dịch lưu động; phối hợp với Trạm Y tế xã tăng cường công tác điều tra, giám sát côn trùng tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch cao. Xử lý diệt lăng quăng/ bọ gậy, phun hóa chất đối với những ca mắc sốt xuất huyết khi có xét nghiệm NS1(+) của các bệnh viện nơi bệnh nhân điều trị.

-      Phun hóa chất chủ động với những điểm có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết khi có sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế Dự Phòng tỉnh Bình Dương.

- Chuẩn bị máy phun, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng khi bùng phát dịch.

4. Phòng giáo dục và Đào tạo huyện

- Chỉ đạo tổ chức vệ sinh môi trường lớp học; diệt lăng quăng, diệt muỗi trước khi khai giảng; trong suốt năm học thực hiện thường xuyên vệ sinh lớp và dụng cụ học tập; diệt lăng quăng; diệt muỗi định kỳ hàng tuần và cho trẻ ngủ trưa trong màn (Ở các trường bán trú). Các trường học khi phát hiện các trường hợp trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết được cơ sở y tế tuyến trên chẩn đoán phải thông báo kịp thời cho y tế tại địa phương.

- Hướng dẫn học sinh những kiến thức về các biện pháp diệt lăng quăng tại gia đình như: Dẹp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết, hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện diệt lăng quăng tại gia đình cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp nộp báo cáo cho nhà trường. Nhà trường có đánh giá tổng kết và đưa vào phong trào thi đua của trường.

5.  Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện

Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các biện pháp khống chế và dập tắc dịch bệnh.

6. Huyện đoàn

- Chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia tại từng địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền và huy động đoàn viên thanh niên công nhân thực hiện vệ sinh môi trường khu vực nhà trọ.

7. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện

- Chỉ đạo các chi Hội các ấp huy động lực lượng hội viên và nhân dân tham gia Chiến dịch tại từng địa bàn.

8.  Các Công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện

- Tuyên truyền rộng rãi trong người lao động về cách phát hiện và các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hướng dẫn vệ sinh trong và xung quanh nhà.

- Thường xuyên tổ chức diệt lăng quăng/ bọ gậy và những chổ trú ẩn của muỗi tại Công ty. Riêng tại ấp Lai Khê xã Lai Hưng là ấp có số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, trên địa bàn ấp có Viện nghiên cứu cao su Lai Khê đóng trên địa bàn cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên vệ sinh môi trường ngoại cảnh.   

9.     Ủy ban nhân dân các xã

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tại xã, huy động nhân lực tham gia công tác tổ chức diệt lăng quăng/ bọ gậy và những chổ trú ẩn của muỗi.

- Phân công trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người, lực lượng tham gia công tác tổ chức diệt lăng quăng/ bọ gậy.

          - Tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

- Chỉ đạo Đài Truyền thanh xã phát thanh tăng cường mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng trong suốt thời gian tổ chức diệt lăng quăng/ bọ gậy nhằm kêu gọi nhân dân hưởng ứng vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết tạo ra một phong trào rầm rộ, triệt để và toàn diện trong phạm vi toàn xã. Hiện nay trên địa bàn xã Lai Hưng số ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao cần tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông trên hệ thống loa đài tại xã, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, vận động nhân dân trong xã thường xuyên vệ sinh môi trường trong nhà và khu vực xung quanh.

10. Trạm Y tế xã

- Tham mưu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cấp xã.

- Xây dựng kế hoạch và tham mưu Ủy ban nhân dân xã triển khai vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phối hợp các ban ngành đoàn thể tại địa phương triển khai thực hiện theo kế hoạch đúng tiến độ đạt hiệu quả tối ưu.

- Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết như: Phát tờ bướm tuyên truyền và phối hợp Đài Truyền thanh xã, thông tin đại chúng trên phương tiện đài phát thanh ít nhất 1 lần/ ngày.

- Tổ chức lớp tập huấn cho các y tế ấp và ban ngành đoàn thể về kiến thức cơ bản phòng chống bệnh sốt xuất huyết và kỹ thuật diệt lăng quăng.

- Tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát tổng hợp báo cáo đúng tiến độ và đánh giá kết quả thực hiện.

- Ngoài ra, Trưởng Trạm Y tế phân công cụ thể các cán bộ y tế xã phụ trách các ấp và y tế ấp nào phụ trách ấp đó có trách nhiệm hướng dẫn các nhóm hoạt động và tổng hợp báo cáo.

- Theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương và các khu vực nhà trọ; phối hợp xử lý nhanh các trường hợp mới mắc bệnh; hàng ngày báo cáo tình hình, số liệu bệnh nhân mới mắc bệnh về Trung tâm Y tế huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tổ chức các buổi phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong các trường học, các buổi họp dân bằng các khẩu hiệu, tờ rơi, truyền thanh những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh họa rõ ràng. Cụ thể:

+ Tình hình sốt xuất huyết trong tỉnh, huyện hoặc xã về số mắc bệnh và chết trong một vài năm gần đây.

+ Triệu chứng của bệnh, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

+ Nhận biết vòng đời, nơi sinh sản, trú đậu, hoạt động hút máu của muỗi truyền bệnh.

+ Những biện pháp cụ thể, đơn giản mà mỗi người dân có thể tự áp dụng để loại bỏ ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo quy định./.


Lượt truy cập: 326

Đánh giá bài viết: